Tìm lời giải cho câu chuyện về con rồng Trung Hoa bí ẩn của Melbourne
Với cái đầu rồng phủ bụi và bức ảnh hiếm, nhà sử học quyết tâm giải đáp bí ẩn về con rồng Liên bang bị lãng quên của Melbourne.
Tại ngôi đền Trung Hoa ở Nam Melbourne có cái đầu rồng phủ bụi.
Trong nhiều thập niên, con rồng bị lãng quên này chìm trong nhang khói luôn tràn ngập trong sảnh Đền See Yup, đặc biệt là trong dịp mừng Tết Nguyên đán.
Nhưng không ai hoàn toàn biết rõ nguồn gốc con rồng này.
Tiến sĩ Sophie Couchman, nhà sử học và nghiên cứu viên danh dự thuộc Bảo tàng Victoria cho biết: “Tôi lớn lên ở South Melbourne nên tôi luôn biết đến ngôi đền này”.
“Tôi đã nghiên cứu lịch sử người Úc gốc Hoa đến này đã được hơn 20 năm.
“Tôi thậm chí còn không biết lần đầu tiên tôi thấy con rồng này là khi nào, nhưng tôi luôn thắc mắc về lịch sử của nó”.
Trong cộng đồng tín đồ đền lưu truyền hai giả thuyết chính về nguồn gốc của con rồng này.
Có câu chuyện kể rằng nó đã đến Úc vào những năm 1950.
Trêu ngươi hơn, giả thuyết thứ hai là nó đã được mang đi diễu hành ở Melbourne trong lễ kỷ niệm Liên bang Úc năm 1901.
Michael Lam, thành viên ủy ban Hội See Yup, nói: “Thật không may là không có nhiều tài liệu lịch sử viết về nó mà chỉ có lời truyền miệng thôi”.
Vậy chúng ta bắt đầu tìm lời giải cho câu chuyện về con rồng này ở đâu?
Lịch sử Liên bang bị lãng quên
Lễ kỷ niệm Liên bang Úc năm 1901 là sự kiện lớn, đặc biệt là ở Melbourne, nơi quốc hội đầu tiên khai mạc tại Tòa nhà Triển lãm Hoàng gia.
Vì vậy, có rất nhiều nguồn tin báo chí vào thời đó nhưng những nguồn tin này có thể không đáng tin cậy nếu sử dụng để truy tìm nguồn gốc con rồng.
Mặc dù có một số điểm thiếu nhất quán, Sophie cho biết điểm chung của các nguồn tin này là có hai con rồng ở lễ kỷ niệm Liên bang, một con lớn và một con nhỏ.
Sophie kể: “Có hai tờ báo ở New South Wales loan tin rằng con rồng trong cuộc diễu hành Liên bang là rồng Bendigo và rồng Ballarat”.
Nhưng đâu có đơn giản như vậy.
Sophie cho biết: “Sau khi được Leigh McKinnon thuộc Bảo tàng Rồng Vàng hỗ trợ bằng cách chia sẻ một số hình ảnh về rồng Ballarat ở Ballarat trong lễ kỷ niệm Liên bang, tôi đã đi đến quyết định rằng đó không phải là nguồn tin đáng tin cậy”.
“Thực sự cần phải nhìn vào các bức ảnh để xác định điều gì đang xảy ra vì các nguồn tin báo chí này không đủ chi tiết”.
Một bức ảnh thời đó giúp xác định rõ ràng con rồng nổi tiếng của Bendigo, Loong, có mặt ở đó.
Sophie nói: “Loong chắc chắn có mặt ở lễ kỷ niệm Liên bang, và tôi tin rằng Loong chính là con rồng lớn trong cuộc diễu hành”.
Nhưng con rồng nhỏ thì khó tìm hơn.
Sophie cho biết: “Nó không hay được chụp ảnh”.
Trên thực tế, trong nhiều năm tìm kiếm, bà chỉ tìm được hai bức ảnh chụp con rồng thứ hai này.
Một bức ảnh ở Văn phòng Hồ sơ Công cộng chụp con rồng từ phía trước, miệng nó mở ra hướng về phía máy ảnh nên khó nhận dạng.
Nhưng một bức ảnh khác, từ Bộ sưu tập của Bảo tàng Victoria, lại chụp được con rồng từ bên cạnh.
Phim âm bản kính từ quá khứ
Ngày 7 tháng 5 năm 1901, thợ điện và nhiếp ảnh gia nghiệp dư Godfrey Henry Myers đang dõi theo cuộc diễu hành Liên bang với chiếc máy ảnh lập thể.
Trong số hàng chục bức ảnh được ông chụp về lễ kỷ niệm của quốc gia mới ra đời, Godfrey chỉ chụp một bức ảnh của con rồng Trung Hoa trong cuộc diễu hành, bức ảnh này vẫn còn được lưu giữ trên phim âm bản kính trong bộ sưu tập của bảo tàng.
Sophie nhận định: “Sự ưu việt của phim âm bản kính so với hình ảnh báo chí hoặc bản in là bạn có thể có được độ chi tiết phi thường này và bạn thực sự còn có thể phóng to”.
Bức ảnh cho thấy những chi tiết cầu kỳ của con rồng bị lãng quên này, kể cả những chiếc sừng sọc nổi bật.
Sophie cho biết: “Những chiếc sừng sọc là đặc điểm nhận dạng con rồng này”.
Và những chiếc sừng này khớp với sừng của con rồng trong Đền See Yup.
Nhưng một số chi tiết bị thiếu.
Sophie nói: “Những viên tròn trang trí trên má đã bong ra ở con rồng ngày nay nên rất khó để khớp chúng với bức ảnh nhưng chúng không nhất thiết phải khớp”.
Đồ trang trí trên đỉnh đầu đã gãy vụn; nếp nhăn ở cổ con rồng biến mất và râu rồng giờ gần như không còn và ở vị trí khác so với bức ảnh.
Sophie nhận định: “Tất cả những điều này gây khó khăn cho việc khớp 100% con rồng ngày nay với hình ảnh quá khứ”.
Bước đột phá mà Sophie tìm được hoàn toàn đến từ một nguồn khác.
Sophie cho biết: “Tôi là thành viên nhóm nghiên cứu lịch sử gia đình người Úc gốc Hoa và một thành viên của chúng tôi, Ian Young, đang nghiên cứu về tổ tiên của ông, người vốn là lãnh đạo cộng đồng người Hoa ở Geelong”.
“Ông ấy đã rà soát tỉ mỉ các tờ báo ở Geelong.”
Mặc dù các tờ báo lịch sử được số hóa và dễ tra cứu hỗ trợ các nhà nghiên cứu tìm kiếm những mẩu thông tin vụn vặt từ quá khứ, Ian đã tìm thấy bài báo trên báo giấy từ năm 1903.
Sophie nói: “Ông ấy phát hiện ra vào năm 1903, cộng đồng Geelong đã gặp cả Hội See Yup lẫn nhóm tên là Bo Leong để mượn con rồng cho buổi dạ tiệc gây quỹ cho chương trình hỗ trợ thất nghiệp”.
“See Yup cung cấp trang phục; Bo Leong thì có con rồng”.
“Bài báo nói về việc cần £250 để mua con rồng, và con rồng này đã được mua dành riêng cho lễ kỷ niệm Liên bang”.
“Và thế là, đột nhiên nó xuất hiện trên tờ báo”.
“Đó là khoảnh khắc 'Aha' chắc chắn với tôi”.
Con rồng của Hội See Yup
Hội See Yup, thành lập năm 1854 để hỗ trợ người di cư từ bốn quận ở miền Nam Trung Quốc.
Tổ chức Bo Leong được thành lập vào những năm 1890 nhằm giúp đỡ người Hoa trong cộng đồng cần hỗ trợ tài chính nhưng đã ngừng hoạt động vào năm 1912.
Kể từ đó, Sophie cũng đã tìm thấy các hiện vật khác của Bo Leong trong Đền See Yup, làm tăng thêm sức thuyết phục cho giả thuyết rằng ngôi đền đã tiếp nhận con rồng sau khi tổ chức sở hữu cũ giải tán.
Bà cho biết: “Với tôi, điều đó giải thích tại sao con rồng lại hơi bị lãng quên một chút vì đúng ra nó thuộc sở hữu của tổ chức khác—tổ chức đồng minh với See Yup”.
“Tổng kết từ mọi thứ cho thấy rằng con rồng này đã được mua cho lễ kỷ niệm Liên bang và là con rồng nhỏ trong cuộc diễu hành”.
Vậy điều này có ý nghĩa như thế nào với cộng đồng tín đồ See Yup?
Michael nhận định: “Ngôi đền này được xây dựng năm 1856 và là một trong những ngôi đền cổ nhất ở Úc, vì vậy việc xác minh lai lịch con rồng này có ý nghĩa rất quan trọng”.
“Quan trọng chúng ta phải hiểu rằng đây là một phần lịch sử của Úc”.
“Con rồng luôn là biểu tượng của người Hoa và việc có một con rồng quan trọng như vậy, vốn đã góp mặt trong lễ kỷ niệm Liên bang, trong ngôi đền này là điều có ý nghĩa rất lớn”.
“Sophie đã giúp đỡ rất nhiều và đưa ra rất nhiều tư vấn về cách chúng tôi có thể tiếp tục công việc này”.
Michael nói: “Tôi rất muốn có thể trùng tu con rồng để phục hồi lại vẻ huy hoàng trước đây”.
Nhưng thực sự thì con rồng bị hư hại đến mức nào?
Sophie cho biết: “Con rồng có một vị trí đặc biệt trong đền”.
“Nó trông coi bài vị tổ tiên, vì vậy nó có mối liên hệ tâm linh đặc biệt ở nơi này”.
“Nhưng điều đó có nghĩa là nó ngập trong rất nhiều nhang”.
Điều này có thể không tệ như người ta tưởng.
Sophie nói: “Chúng tôi đã cử chuyên viên bảo quản đến và xem xét con rồng”.
“Cô ấy tư vấn rằng trên thực tế, nhang đã giúp bảo vệ con rồng khỏi bị hư hại do ánh sáng và côn trùng”.
“Vì vậy, dưới lớp tàn nhang, tình trạng của con rồng khá tốt”.
Và với kế hoạch mở rộng trưng bày tại Đền See Yup, bao gồm đoạn lịch sử mà Sophie đã khám phá, con rồng Liên bang này sẽ không lại bị rơi vào quên lãng.